Các vị Thánh của tháng Bảy

185 lượt xem

Tháng Bảy là tháng đặc biệt trong phụng vụ Công giáo, không chỉ vì được dành riêng để tôn kính Máu Châu Báu Chúa Kitô, mà còn là thời điểm tưởng niệm nhiều vị thánh lớn của Giáo hội hoàn vũ cũng như các chứng nhân đức tin của Giáo hội địa phương. Dưới đây là danh sách những ngày lễ kính trọng thể và tưởng niệm trong tháng 7 năm 2025.
Ngày 3 tháng 7 – Thánh Tôma Tông đồ

Lễ kính trọng thể Thánh Tôma Tông đồ. Khi các môn đệ khác loan báo rằng Đức Giêsu đã sống lại, Tôma không tin. Nhưng khi chính Chúa hiện ra và cho Tôma xem tay và cạnh sườn bị đâm, ông đã thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28). Theo truyền thống, ngài đã đến rao giảng Tin Mừng tại Ấn Độ và trở thành vị sáng lập Giáo hội nơi đây. (Thế kỷ I)

Ngày 11 tháng 7 – Thánh Biển Đức, viện phụ

Lễ kính Thánh Biển Đức, Đấng sáng lập Dòng Biển Đức, được tôn kính như là Tổ phụ của đời sống đan tu phương Tây, và là Thánh bổn mạng của châu Âu. Sinh tại Nursia (Ý), ngài sống đời ẩn tu tại Subiaco, sau đó thành lập tu viện nổi tiếng ở Monte Cassino. Ngài cũng biên soạn Luật Dòng Biển Đức, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tu trì khắp Âu châu. Truyền thống cho biết, ngài qua đời năm ngày 21 tháng Ba (547) (Sách Tử đạo Rôma).

Ngày 14 tháng 7 – Ba vị thánh cùng kính nhớ
– Thánh Phanxicô Solano

Tại Lima (Peru), kính nhớ Thánh Phanxicô Solano, linh mục Dòng Phanxicô, người đã dấn thân truyền giáo khắp Nam Mỹ. Với lời giảng và các phép lạ, ngài đã cảm hóa người bản địa và thực dân Tây Ban Nha, mang đến cho họ sự sống mới trong Đức Kitô. Ngài qua đời năm 1610. Đương kim Giáo hoàng Lêô XIV bày tỏ lòng sùng mộ đặc biệt với vị thánh truyền giáo này.

– Thánh nữ Catarina Tekakwitha (Hoa Kỳ)

Thánh Catarina (Kateri) Tekakwitha, được gọi là “Hoa huệ của bộ tộc Mohawk”, là phụ nữ da đỏ bản địa Bắc Mỹ đầu tiên được tuyên thánh. Tekakwitha sinh ra tại một ngôi làng của người Mohawk tên là Ossernenon, gần Auriesville, New York, Hoa Kỳ vào năm 1656, qua đời năm 1680. Cùng với Thánh Phanxicô Assisi, ngài được coi là quan thầy của thiên nhiên và sinh thái. Gương sáng của ngài là cầu nối giữa Kitô giáo và các dân tộc bản địa.

 
– Thánh Camillô de Lellis

Thánh Camillô de Lellis (1550-1614), linh mục người Ý, ra đời gần Teano, thuộc Abruzzo. Sinh ra trong một gia đình quý tộc, Camillô đã nối nghiệp cha mình, trở thành một người lính từ khi còn rất trẻ. Cuộc sống trong quân ngũ đã kéo ngài vào con đường ăn chơi, phóng túng và đặc biệt là nghiện cờ bạc, đến nỗi có lúc ngài đã mất tất cả tài sản và lâm vào cảnh bần cùng. Nhưng khi chứng kiến những đau đớn, rên xiết và sự thiếu thốn chăm sóc của các bệnh nhân, lòng trắc ẩn trong ngài đã trỗi dậy mạnh mẽ. Hình ảnh của những con người đau khổ đã đánh động sâu sắc tâm hồn ngài, thôi thúc ngài dấn thân phục vụ họ. Từ đó ngài hoán cải. Ngài tận hiến phục vụ bệnh nhân nghèo và thành lập Dòng Tá viên Phục vụ Bệnh nhân, nay gọi là Dòng Camillô. Thánh nhân được xem là mẫu gương của lòng bác ái Kitô giáo trong ngành y.

Ngày 15 tháng 7 – Thánh Bônaventura, Giám mục và tiến sĩ Hội Thánh

Thánh Bônaventura là một tu sĩ dòng Phanxicô, một nhà thần học lỗi lạc, Bề trên Tổng quyền của Dòng, một Hồng y Giám mục, và được Giáo hội Công giáo tôn phong là Tiến sĩ Hội Thánh. Ngài được xem là một trong những trụ cột trí tuệ và tinh thần của Dòng Anh Em Hèn Mọn trong giai đoạn phát triển đầy thử thách sau khi Thánh Phanxicô Assisi qua đời.

Với vai trò là Bề trên Tổng quyền, ngài giữ trọn tinh thần Thánh Phanxicô và đóng góp quan trọng tại Công đồng Lyon II. Ngài qua đời năm 1274. (Sách Tử đạo Rôma)
Ngày 16 tháng 7 – Đức Mẹ núi Cát Minh

Lễ nhớ Đức Mẹ núi Cát Minh (Đức Mẹ Carmêlô). Núi Cát Minh là nơi tiên tri Êlia kêu gọi dân Israel trở lại thờ phượng Thiên Chúa hằng sống. Sau này, một nhóm ẩn sĩ ẩn tu tại đây đã lập nên Dòng Carmêlô, sống đời chiêm niệm. Đức Mẹ được tôn nhận là Quan Thầy và Mẹ của Dòng này.

Ngày 22 tháng 7 – Thánh Maria Mađalêna

Thánh Maria Mađalêna, người được Chúa Giêsu trừ khỏi bảy quỷ, đã theo Chúa cho đến đồi Canvê. Thánh nhân là người đầu tiên được thấy Chúa phục sinh và loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ. Ngài được gọi là “Tông đồ của các Tông đồ”. (Thế kỷ I)

Ngày 23 tháng 7 – Thánh nữ Brigitta Thụy Điển

Thánh nữ Brigitta (hay Birgitta) của Thụy Điển là một trong những nhân vật phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong Giáo hội thế kỷ 14. Cuộc đời của ngài là một hành trình phi thường từ một người vợ, người mẹ của tám người con trong một gia đình quý tộc, đến một nhà thần bí, một nhà sáng lập dòng tu và là một tiếng nói mạnh mẽ kêu gọi sự canh tân trong Giáo hội. Vì tầm quan trọng đó, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong ngài là một trong sáu vị thánh bảo hộ của châu Âu vào năm 1999.

Ngày 24 tháng 7 – Thánh Charbel Makhlouf

Thánh Charbel, linh mục và ẩn sĩ người Liban, thuộc Giáo hội Công giáo Maronite. Sinh ngày 8 tháng 5 năm 1828, tại Liban. Ngài là vị thánh Đông phương đầu tiên được phong hiển thánh từ thế kỷ XIII và là một trong những vị thánh được yêu mến nhất trong thế giới nói tiếng Tây Ban Nha, đặc biệt tại các cộng đoàn di dân Maronite ở Mêxicô và Trung Đông. Ngài qua đời ngày 24 tháng 12 năm 1898.

25 tháng 7 – Thánh Giacôbê Tông đồ (Giacôbê Cả)

Lễ trọng kính Thánh Giacôbê, con ông Dêbêđê và anh của Thánh Gioan. Ngài là một trong ba môn đệ thân tín được chứng kiến cuộc biến hình và hấp hối của Chúa Giêsu. Ngài là vị Tông đồ đầu tiên chịu tử đạo, bị chém đầu dưới tay của Hêrôđê Agrippa tại Giêrusalem, trước lễ Vượt qua. Theo truyền thống, ngài đã loan báo Tin Mừng tại Tây Ban Nha và được tôn kính là Quan Thầy của quốc gia này.

Ngày 26 tháng 7 – Thánh Gioakim và Anna

Lễ nhớ song thân của Đức Trinh nữ Maria, ông Gioakim và bà Anna, tổ tiên của Đức Giêsu. Dù không được nhắc trong Tân Ước, tên của các ngài được gìn giữ qua truyền thống Kitô giáo. Các ngài được coi là Thánh bổn mạng của giới cao niên (ông bà).

Ngày 29 tháng 7 – Thánh Mácta, Maria và Ladarô

Lễ nhớ gia đình Bêtania – nơi Chúa Giêsu thường lui tới. Thánh Mácta là hình ảnh của lòng hiếu khách và sự phục vụ tận tình. Chính bà đã có lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ sau khi em trai mình là Ladarô qua đời: “Con vẫn tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

Trong khi đó, Thánh Maria lại là mẫu gương của đời sống chiêm niệm, bà đã chọn ngồi dưới chân Chúa để chăm chú lắng nghe lời Người.
Người em trai là Ladarô được Chúa yêu mến. Tại ngôi mộ của ông, Chúa Giêsu đã khóc thương và thực hiện phép lạ cho ông sống lại từ cõi chết.
Trước đây, chỉ có Thánh Mácta có ngày lễ được ghi trong Lịch Phụng Vụ chung của Giáo hội vào ngày 29 tháng 7. Tuy nhiên, vào năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra sắc lệnh ghi nhớ cả ba vị thánh: Mácta, Maria và Ladarô vào cùng một ngày 29 tháng 7, để tôn vinh “lời chứng quan trọng mà họ đã trao cho Tin Mừng”.
Ngày 31 tháng 7 – Thánh Inhaxiô Loyola

Thánh Inhaxiô Loyola, đấng sáng lập Dòng Tên (Dòng Chúa Giêsu). Xuất thân từ xứ Basque, Tây Ban Nha, ngài từng là một quân nhân trước khi trải qua một cuộc hoán cải sâu sắc sau một chấn thương nặng. Sau khi hoàn tất chương trình thần học tại Paris và quy tụ những người bạn đồng hành đầu tiên, ngài đã sáng lập Dòng Tên tại Rôma. Tại đây, ngài đã cống hiến trọn vẹn cho một sứ vụ tông đồ đầy hoa trái qua việc biên soạn các tác phẩm quan trọng, đặc biệt là sách Linh Thao, và đào luyện các tu sĩ của Dòng để phục vụ Giáo Hội, tất cả đều quy hướng về châm ngôn “cho vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa”. Ngài qua đời năm 1556 tại Rôma.

Các vị thánh địa phương – Giáo phận Qui nhơn
Ngày 26 tháng 7 – Chân phước Anrê Phú Yên, tử đạo (1625–1644)

Được mệnh danh là “Người chứng thứ nhất của Giáo hội Việt Nam”, Chân phước Anrê Phú Yên là thầy giảng, môn sinh yêu quý của cha Alexandre de Rhodes. Ngài chịu tử đạo tại Gò Xử – Hội An ngày 26 tháng 7 năm 1644 khi mới 19 tuổi, vì từ chối bỏ đạo và trung thành với Đức Kitô. Ngài được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 2000, là quan thầy của Giáo Lý Viên toàn quốc.

Chân phước Anrê Phú Yên là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô, là người con đầu mùa của Giáo hội Việt Nam trong hàng ngũ các thầy giảng và tử đạo. Ngài để lại một di sản thiêng liêng cho Giáo hội: lòng can đảm, đức tin sống động và tình yêu tự hiến cho Thiên Chúa.
✦ “Tình yêu đáp trả tình yêu, sự sống báo đền mạng sống”, chính là biểu tượng của đời thầy.
Ngày 12 tháng 7 – Trùm cả Anrê Kim Thông (1790-1855)

Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, còn gọi là Năm Thuông, sinh năm 1790 tại Gò Thị, Bình Định. Từ trẻ, ngài đã nổi tiếng khôn ngoan, đạo đức, được chọn làm trùm họ và được dân làng tôn kính gọi là “Trùm cả”. Ngài là cộng sự thân tín của Đức cha Cuénot Thể: giúp xây dựng Tòa Giám mục Gò Thị, mở chủng viện, tu viện, nhà dục anh và cơ sở nhà chung, đồng thời đảm nhiệm trọng trách cố vấn quản lý tài sản nhà chung để tạo phương tiện điều hành Giáo phận. Ngài nổi tiếng là người tận tâm quảng đại, hiền từ và hết lòng với Hội Thánh.

Năm 1853, ngài bị tố cáo vì đạo và bị bắt giải về tỉnh. Trước lời dụ dỗ bước qua Thánh giá để được tha, ngài khẳng khái từ chối: “Thạch tín là thuốc độc, uống vô là chết, nhưng cũng có thuốc giải. Thế nhưng có ai liều mình uống thạch tín bao giờ?”.
Anrê Kim Thông qua đời trong tù tại Định Tường ngày 15.07.1855. Giáo hội mừng kính ngài ngày 15 tháng 7, như mẫu gương người giáo dân trung kiên, khiêm tốn và can đảm làm chứng cho Tin Mừng giữa trần thế.
Kết luận
Tháng Bảy là tháng chan chứa máu các vị tử đạo, là tháng của đức tin kiên cường, lòng yêu mến Chúa Kitô cách trọn vẹn. Các thánh, từ những đấng sáng lập dòng tu, những nhà thần học uyên bác, đến những tín hữu đơn sơ can đảm như Anrê Phú Yên hay Anrê Kim Thông, là những chứng nhân sống động của Tin Mừng trong mọi thời đại.
“Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các Kitô hữu.” – Tertullianô
Xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta được trung kiên và quảng đại sống đức tin trong thời đại hôm nay.
G. Võ Tá Hoàng

Có thể bạn quan tâm