Suy Niệm Chúa Nhật 4 Thường Niên B

2672 lượt xem

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN B
Lời Chúa
: Dnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28

MỤC LỤC

  1. DIỆT TRỪ SỰ DỮ – TGM Giuse Vũ Văn Thiên
  2. CHỨNG NHÂN TRONG CUỘC SỐNG –   Giuse Lê Danh Tường
  3. CHỈ CÓ CHÚA LÀ ĐẤNG TOÀN NĂNG VÀ LÀ THÁNH – Antôn Nguyễn Văn Độ
  4. LỜI QUYỀN NĂNG CỨU ĐỘ – Antôn Nguyễn Văn Độ
  5. MA QUỶ THỜI ĐẠI MỚI –  ĐTGM.Giuse Ngô Quang Kiệt
  6. SỐNG LỜI CHÚA SẼ TRỪ ĐƯỢC QUỶ TRONG TA – Josephus Quang Nguyễn

1. DIỆT TRỪ SỰ DỮ – TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Độc giả hôm nay cũng như những người chứng kiến sự kiện mà thánh Mác-cô thuật lại đều ngỡ ngàng và thú vị ở chi tiết: chính thần ô uế công khai tuyên xưng thân thế và sứ mạng của Đức Giêsu. Theo khái niệm của Kinh Thánh, thần ô uế vừa tượng trưng cho ma quỷ Satan, vừa là lực lượng đối lập với những gì là thiện hảo, ngay lành và thậm chí còn đối lập với chính sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thần ô uế đã tuyên xưng: “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Bằng một mệnh lệnh, Chúa Giêsu đã bắt nó phải buông tha người bị nó ám. Thánh Mác-cô hay diễn tả uy quyền của Chúa bằng cách ra lệnh cho các thế lực thiên nhiên hay ma quỷ, như trong Mc 4,9, Chúa đe gió và biển: “Im đi, câm đi”; Chúa ra lệnh cho người bại tay (x. 3,5). Chắc hẳn lời tuyên xưng của thần ô uế đã giúp nhiều người tin vào Chúa Giêsu, nhận ra Người là Đấng đến trần gian để xua đuổi thế lực của tối tăm, diệt trừ sự dữ và xây dựng một vương quốc thánh thiện, nhằm thánh hóa con người.

Thánh Mác-cô cho chúng ta một chi tiết đặc biệt nữa: Hội đường là nơi thánh thiêng của người Do Thái cũng giống như nhà thờ của các Kitô hữu ngày nay. Vào mỗi ngày Sa-bát, mọi người đều tập trung ở đó để đọc và nghe Lời Chúa. Chính Chúa Giêsu, khi trở về thăm quê hương Nagiarét, đã vào hội đường và đọc Kinh Thánh trước mặt cộng đoàn (x Lc,4,16-28). Vậy mà, dưới ngòi bút tường thuật của thánh Mác-cô, nơi ấy cũng có thần ô uế ám ảnh. Chính nơi thờ phượng thiêng liêng của người Do Thái cũng có sự hiện diện của Satan. Với những chi tiết này, Thánh Mác-cô có ngầm ý khẳng định với chúng ta rằng, Chúa Giêsu đến để canh tân phụng vụ Do Thái đã trở nên lỗi thời và còn nhiều khiếm khuyết. Sau này, chính Chúa Giêsu tuyên bố Người là Đền thờ đích thực. Nền phụng vụ mới mà Chúa Giêsu đề nghị, đó chính là thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý. Sự hiện diện của Thiên Chúa không bị giới hạn bởi đền thờ hay hội đường, tình yêu thương của Chúa không phân biệt sắc tộc hay ngôn ngữ, nhưng ở đâu có tình yêu thương thì ở đó có Đức Chúa Trời. Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, lời ca tụng tôn vinh Chúa phải xuất phát từ tấm lòng chân thành và phải đi đôi với thiện chí để nên trọn lành.

Sứ mạng của Đấng Thiên sai là đẩy lui quyền lực của bóng tối đang bao phủ nhân loại. Chúa Giêsu đã đến trần gian để giải phóng con người khỏi ách kìm kẹp của ma quỷ, là quyền lực của tối tăm. Người là ánh sáng trần gian đã bừng lên trong tăm tối để dẫn đưa con người về chính lộ. Những người Do Thái chuyên tâm đọc Sách Thánh sẽ dễ dàng nhận ra Chúa Giêsu chính là vị ngôn sứ mà Cựu ước đã loan báo. Sách Đệ Nhị Luật ghi lại những lời giáo huấn của ông Môisen, vị thủ lãnh đã dẫn đưa dân Do Thái ra khỏi Aicập. Trong những lời trăng trối cuối đời, ông Môisen đã nói đến một vị ngôn sứ Chúa sẽ gửi đến. Vị này cũng đầy quyền uy để lãnh đạo dân như ông Môisen, và còn hơn cả Môisen nữa. Sứ mạng của vị Ngôn sứ này là đem Lời Chúa làm lương thực nuôi dân chúng (Bài đọc I). Chúa Giêsu chính là vị Ngôn sứ muôn dân mong đợi. Ngài đến để thanh tẩy con người khỏi mọi tội lỗi, để thiết lập một nền phụng vụ đích thực, không còn những uế tạp trần tục, nhưng có khả năng thánh hóa con người. Những người có mặt hôm đó tại hội đường, từ tâm trạng sững sờ đến trầm trồ thán phục: “Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”.

Hơn hai ngàn năm đã qua, Giáo Hội không ngừng loan báo Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là Đấng cứu độ và giải phóng con người. Giáo Hội cũng đang tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, nhằm đem ơn cứu độ đến cho mọi dân tộc. Loan báo Đức Giêsu cũng là sứ mạng của mỗi Kitô hữu. Đó chính là nhiệm vụ chúng ta đã lãnh nhận khi được chịu phép Thanh tẩy. Tuy vậy, trước khi nói đến loan truyền Tin Mừng cho người khác, mỗi chúng ta phải sống Tin Mừng trong cuộc sống cụ thể hằng ngày. Trong con người của chúng ta, đang hiện hữu vừa ánh sáng vừa bóng tối, vừa hình ảnh của Thiên Chúa nhưng cũng vừa hình ảnh của Satan. Chính vì thế mà chúng ta phải thanh tẩy bản thân mỗi ngày. Ơn gọi nên thánh không phải là những điều quá sức con người, mà đó là những điều rất bình dị trong cuộc sống. Thánh Phaolô đã cụ thể hóa đời sống Kitô hữu bằng cách khuyên mỗi người trong gia đình và trong cộng đoàn hãy chuyên tâm thực thi bổn phận của mình đối với Chúa và đối với tha nhân. Người lập gia đình thì chăm lo việc gia đình. Người tu hành thì chăm lo việc Chúa. Những công việc đời thường, nếu được chu toàn với thiện ý và với tâm tình Đức tin, thì cũng góp phần làm cho chúng ta nên hoàn thiện (Bài đọc II).

Là Kitô hữu, chúng ta được tham dự vào chức ngôn sứ của Chúa Giêsu. Mục đích của chức năng này là rao giảng Lời Chúa. Được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu nhờ bí tích Thanh Tẩy, người Kitô hữu cũng đang cùng với Chúa Giêsu để diệt trừ sự dữ, đẩy lui quyền lực của tối tăm và làm cho ánh sáng cứu độ bừng lên nơi mọi nẻo đường của cuộc sống. Những người dân thành Caphanaum chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu làm đã đồn ra khắp vùng. Mỗi chúng ta khi cảm nghiệm những điều lạ lùng Chúa làm cho mình, hãy nỗ lực cố gắng để nói về Chúa cho mọi người xung quanh, để kể lại những kỳ công của Người.

2. CHỨNG NHÂN TRONG CUỘC SỐNG – Lm. Giuse Lê Danh Tường

Bóng tối thì sợ ánh sáng; sự giả dối thì sợ hãi sự thật. Đức Giêsu đến trong thế gian, Ngài là ánh sáng soi chiếu vào bóng tối; là chân lý chiếu soi vào chốn lỗi lầm. Ngài rao giảng về Nước vĩnh cửu trong chân lý và sự thật. Lời của Ngài có uy quyền khiến đến ma quỷ cũng phải kinh hãi. Lời Chúa trong Chúa nhật IV Thường niên B diễn tả uy quyền trong giáo huấn của Đức Giêsu và sự sợ hãi của gian trá, ma quỷ trước uy quyền của Sự Thật.

Uy Quyền Trong Giáo Huấn Của Đức Giêsu

Ngày Sabát là ngày quan trọng đối với người Dothái, là ngày họ ngồi lại với nhau nơi hội đường để nghe Lời Chúa. Tại hội đường trong thành Capharnaum, người Do thái vẫn thường lắng nghe Lời Chúa qua những trang Kinh thánh. Nhưng dường như những Lời ấy vẫn chưa đụng chạm tới họ, tới con người với cuộc sống cụ thể của họ; Dường như những Lời ấy vẫn chỉ phảng phất đâu đấy chứ chưa đi vào lòng họ. Kinh thánh vẫn là những trang xa vời, dân Dothái chưa thể gặp được chính Lời của Thiên Chúa qua những trang Kinh thánh ấy.

Thế nhưng hôm nay họ đã được lắng nghe chính Lời của Thiên Chúa. Vào hội đường Caphacnaum trong ngày Sabát. Đức Giêsu đã lên tiếng giữa cộng đoàn, giảng giải cho họ điều đã chép trong Kinh thánh, Thánh Marco đã thuật lại: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài”. Làm sao không sửng sốt được khi mà chính Lời từ Thiên Chúa đến để nói với họ. Chính Đức Giêsu là Lời trọn vẹn của Thiên Chúa đã lên tiếng bên tai họ thì còn lý do gì để họ phải xa cách Thiên Chúa nữa. Dân Do thái đã sửng sốt về giáo huấn của Đức Giêsu vì “Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền”.

Giáo huấn của Chúa Giêsu không phải là của người phàm, song là của chính Thiên Chúa. Giáo huấn của Ngài chứa đựng uy quyền toàn năng của Thiên Chúa, chứa đựng tình yêu trọn vẹn nơi Thiên Chúa, chứa đựng sự chân thật và tốt lành thánh thiện tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Chính Lời Ngài đến trong thế gian để soi sáng cho nhân loại. Như một tấm gương phải chiếu vào cuộc đời để rồi mọi tội lỗi trong nhân gian đều bị lộ rõ trước sự tinh tuyền thánh thiện đến tột cùng của Thiên Chúa.

Thánh Marco đã để cho chính sự dữ, chính thần ô uế làm chứng về uy quyền trong giáo huấn của Chúa Giêsu.

Sự giao tranh giữa Chân Lý và gian trá

Cũng trong hội đường Capharnaum hôm ấy, thánh Marco đã thuật lại cho chúng ta thấy sự kinh hoàng của bóng tối, của ma quỷ khi đứng trước uy quyền của Chúa Giêsu.

“Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập la lên”. Giữa khung cảnh nghiêm trang của hội đường, Giêsu rao giảng về Chân lý; dân chúng lắng nghe và thán phục. Tất cả mọi người không ai đụng chạm hay lên án kẻ tội lỗi, ô uế kia. Thế nhưng người đó đã la lên cách đột ngột trong sự ngỡ ngàng. Tiếng la như phá tan bầu khí của hội đường, như bùng nổ do sự kìm nén đến mức tối đa.

Vâng, chính ánh sáng và chân lý nơi Thiên Chúa đã chiếu vào góc khuất âm u ấy của người bị thần ô uế nhập. Chính bóng tối không chịu được ánh sáng; Chính ma quỷ không đứng vững được trước sự thánh thiện của Thiên Chúa; Chính sự hiện diện của Đức Giêsu đã tạo nên sự căng thẳng càng lúc càng gia tăng nơi người bị thần ô uế ám. Chính sự sợ hãi đến tột cùng của thần ô uế đã khiến người đó phải thốt nên lời và nài xin sự yên thân.

Tin mừng về Chúa Giêsu theo thánh Marco không bộc lộ ngay tất cả dung nhan của Đức Giêsu cho độc giả. Thánh Marco muốn độc giả từ từ khám phá dung nhan của Đấng Messia, Đấng Cứu Độ nhân loại. Ở đây, lời tuyên bố đột ngột của thần ô uế “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”, rồi ngay lập tức Đức Giêsu trừ khử cũng chỉ một lời, đã đẩy đọc giả của Tin mừng Marco đi đến chỗ không thể dửng dưng trước con người Đức Giêsu. Họ phải tự hỏi và tìm hiểu về Giêsu.

Và đến lượt chúng ta, chắc chắn khi đụng chạm đến Giêsu, chúng ta cũng tự hỏi Ngài là ai. Sự ngạc nhiên trước Đức Giêsu luôn là thái độ cần thiết cho cuộc tìm kiếm Thiên Chúa của chúng ta. Kinh thánh là Lời Thiên Chúa. Nếu bạn thực sự lắng nghe Lời Chúa, bạn cũng sẽ thấy ngạc nhiên về Giêsu trong đó. Sự ngạc nhiên ấy sẽ là khởi điểm cho bước đường bạn tìm đến với Ngài. Và chính khi bạn mang trong mình Đức Giêsu, bạn cũng sẽ bắt gặp sự phản ứng từ những người xung quanh.

Sự hiện diện của Kitô hữu trong xã hội hôm nay

Xã hội Việt nam hôm nay đang nổi cộm với biết bao vấn nạn. Sự dối trá tràn ngập khắp mọi nơi, mọi môi trường, từ đầu đường xó chợ tới nơi giảng đường; từ gia đình đến xí nghiệp, cơ quan nhà nước; từ người vô học đến người có học vị tiến sỹ. Tất cả tràn ngập sự giả dối khiến cho người ta ra đến đường là phải cảnh giác, về đến nhà cũng phải cảnh giác. Câu chuyện cảnh giác luôn là điều người ta nhắc nhau hàng ngày. Khi sự giả dối trở thành thói quen, thành thông thường; mọi sự gian lận không phải là chuyện ngạc nhiên nữa thì xã hội sẽ thấy lạ trước những con người sống ngay thẳng, thành thật, liêm chính.

Cả cơ quan đều chia nhau số tiền tham ô, tham nhũng, biển lận. Bạn là người Công giáo sống theo Giêsu nên bạn từ chối. Chẳng cần bạn phải lên tiếng phản đối, bạn vẫn là cái gai trong mắt mọi người. Cũng giống như người bị thần ô uế ám trong bài Tin mừng hôm nay, rồi đến lúc họ cũng sẽ hét lên mời bạn đi chỗ khác.

Sự thật thà của con cái Chúa sẽ là cái gai trong một xã hội có quá nhiều sai lầm. Nhưng bạn sẽ lựa chọn thái độ nào đây?

Nếu bạn đồng tình đi theo mọi người xung quanh thì cuộc sống hiện tại của bạn tạm ổn. Nhưng bạn phải chấp nhận mất Giêsu. Bạn phải chuẩn bị nghị lực mà đối diện với lương tâm mình mỗi khi đêm về.

Nếu bạn chọn Thiên Chúa là gia nghiệp và cùng đích của đời bạn thì bạn hãy trao phó mọi sự trong tay Ngài. Có Chúa cùng đồng hành, sự kiên trung bước đi trong đường lối Chúa sẽ là ánh sáng chiếu soi vào những bóng ma trong xã hội hôm nay. Sự hiện diện của bạn sẽ là lời nhắc nhở cho mọi người và cũng là lời mời gọi mọi người gột rửa tâm hồn.

Lạy Chúa, xin giúp sức cho con, xin củng cố đức tin cho con và an ủi con trong lúc bị người đời xa lánh.

3. CHỈ CÓ CHÚA LÀ ĐẤNG TOÀN NĂNG VÀ LÀ THÁNH – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Nếu như Chúa nhật III Thường niên, Đức Giêsu đã kêu gọi người ta hoán cải và tin theo Chúa (x. Mc 1, 14-20), thì Chúa nhật IV, sứ vụ thiên sai tiếp tục được thi hành. Người chữa lành những người bị quỉ ám, nhưng Lời Người là Chân lý, nên được lan truyền khắp mọi nơi một cách nhanh chóng, khiến cho những người mù sáng mắt, người què đi được, người điếc nghe được, mọi người đều thán phục Người; các thần ô uế phải vâng lệnh (x. Mc 1, 21-28).

Chiêu mộ các môn đệ xong, Chúa Giêsu cùng với các ông tới Capharnaum. Tại hội đường, nơi cộng đoàn tụ họp để lắng nghe Lời Chúa và phổ biến Luật cũng như lời các Tiên tri, lần đầu tiên các môn đệ được nghe Chúa Giêsu giảng dạy (x. Mc 1, 21-22).

Hơn cả luật sĩ

Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có quyền, mọi ánh mắt của những người có mặt ở đó đổ dồn vào Người, còn thần ô uế thì buộc phải vâng lệnh và xuất ra khỏi người nó ám. Giáo huấn của Chúa Giêsu tương phản với lời giảng dạy của các thầy thông luật, dù họ chuyên về Kinh Thánh (Mc 1, 22).

Điều gì mới chăng? Thưa không, Người không dạy điều gì mới mẻ hoặc trái với giáo lý, cũng không mang đến một giáo lý mới. Chính uy nguyền và phong cảnh giảng dạy làm người ta khám phá ra cái mới. “Mới” là vì uy quyền của Người trên các thần ô uế: “Chúng vâng lệnh Người “(x. Mc 1, 25-26). Chúa Giêsu không tiếp chuyện, hay tranh luận với thần ô uế. Người đoạn tuyệt đối thoại với chúng. Và ta sẽ thấy câu trả lời vào cuối trình thuật cám dỗ trong hoang địa. Chúa Giêsu khẳng định: “Người là Chân Lý “.

Hơn một Tiên tri

Bài đọc I trích sách Đệ Nhị Luật (Đnl 18, 15-20), Môisen được coi là vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong số các ngôn sứ; ông là trung gian giữa Thiên Chúa với loài người. Trung gian cần thiết, vì dân chúng sợ mặc khải trực tiếp từ Thiên Chúa nên họ nói: “Tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết ” (Đnl 18, 16).

Và đây là những điều Môisen được biết và công bố. Chúa phán: “Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi ” (Đnl 18, 15); Chúa sẽ đặt vào miệng vị đó những lời của Chúa, vị ấy sẽ nói cho dân lệnh Chúa truyền. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Chúa qua miệng người ấy sẽ nói nhân danh Chúa, kẻ ấy sẽ chuốc lấy hậu quả thích đáng, như Chúa quả quyết: “chính Ta, Ta sẽ tính số với nó” (Đnl 18, 19)Từ chối Môisen hay một tiên tri là từ chối chính Chúa.

Dân sẽ mượn miệng ông, giọng nói của ông, để thân thưa với Thiên Chúa. Một cách nào đó, người ấy không thể nói điều gì khác hơn là Lời Thiên Chúa. Cuộc sống của ông là một cuộc sống hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa.

Qua đoạn sách Đệ Nhị Luật, phụng vụ giúp chúng ta đọc lời nói đầu thể hiện sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, Người hơn cả hơn Môisen: ” Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền ” (Mc 1,22), Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1, 24).

Cuộc chiến giữa Chúa Giêsu và thần ô uế

Tiếng thét của người bị thần ô uế ám và dằn vặt, nay được Chúa trừ là tiếng thét hư vô, không có nguồn gốc và không có Thiên Chúa. Chúa Giêsu không chạm vào người này, Người cũng không thuyết phục hắn. Người nói chuyện trực tiếp với hắn lúc Lời Chúa bị mắc kẹt trong sa mạc bởi sự dữ, bạo lực và tà thần, mỗi người chúng ta phải thường xuyên kiên trì chiến đấu.

Điều thần ô uế nói trong hội đường như thể nó tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa. Nhưng nó bị Chúa Giêsu quát và bảo: “Hãy im đi!” (Mc 1, 25). Như sách Đệ Nhị Luật đã nói (18, 19) chúng ta phải biết nghe lời Chúa, trong hành động của đức tin, đức cậy để lời ấy có thể triển nở trong ta, đụng chạm đến chúng ta, biến đổi chúng ta và hiệp nhất chúng ta.

Sự im lặng bắt buộc này có nghĩa là không còn thời gian nữa. Sự viễn mãn tràn đầy thánh thiện và ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến nhờ sự chết và phục sinh. Vì Người là “Đấng thánh của Thiên Chúa” (Mc 1, 24).

Đấng Thánh của Thiên Chúa 

Trong thời đại dịch, người ta đặt câu hỏi “tại sao?” Tại sao thế giới lại rơi vào hố sâu tuyệt vọng, bất lực trước một con siêu vi khuẩn vô hình này? Tại sao Thiên Chúa lại không can thiệp khi con người kêu cầu trong đau đớn và thậm chí có người sợ hãi thất vọng? Vậy quyền năng Chúa ở đâu?

Chúng ta phải khẳng định rằng, nhiều người đã nhiều lần yêu cầu Chúa ra khỏi đời sống, mời Chúa ra khỏi trường học, khỏi chính phủ và họ không kêu cầu Chúa nữa. Chiều lòng người, Chúa lẳng lặng rút lui. Như thế thì sao có thể mong Chúa ban ơn và che chở khi con người khẩn thiết xin Chúa mặc kệ chúng ta?  Ma quỉ đã từng nói với Chúa Giêsu: “Có chuyện gì giữa chúng tôi và ông?” (Mc 1, 25)

Trong cơn đại dịch, con người bị khủng hoảng về sức khỏe. Lúc con người tuyệt vọng thì bắt đầu cúi mình trước Thiên Chúa. Nhiều vị lãnh đạo trên thế giới nắm tay nhau để cầu nguyện và xin Chúa chúc lành, vì giờ đây họ tin rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu giúp nhân loại đang trong cơn khốn đốn.

Phải chăng Thiên Chúa muốn chúng ta khiêm tốn nhận ra rằng sự hiểu biết, khôn ngoan của con người là giới hạn và cuộc sống danh vọng, tiền tài ở trần gian chỉ là hư vô. Chỉ có Chúa là Đấng quyền năng và là Thánh.

Lạy Chúa là Thiên Chúa quyền năng, chúng con tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa. Amen.

4. LỜI QUYỀN NĂNG CỨU ĐỘ – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Hoán cải và tin theo Chúa Giêsu vì Nước Trời gần đến là lời mời gọi của Đấng Thiên sai (x. Mc 1, 14-20). Sứ vụ Thiên sai ấy được tiếp tục thi hành với Lời Quyền Năng Cứu Độ, Lời có sức chữa lành những người bị quỉ ám, khiến cho những người mù được sáng, người què đi được, người điếc nghe được, nói chung là vui mừng sung sướng; mọi người đều …thán phục; các thần ô uế phải vâng lệnh Người (x. Mc 1, 21-28).

Chiêu mộ các môn đệ xong, Chúa Giêsu cùng với các ông tới Capharnaum. Tại hội đường, nơi cộng đoàn tụ họp để lắng nghe Lời Chúa và phổ biến Luật cũng như lời các Tiên tri, lần đầu tiên các môn đệ được nghe Chúa Giêsu giảng dạy (x. Mc 1, 21-22).

Hơn cả luật sĩ

Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có quyền, mọi ánh mắt của những người ngồi đấy đều đổ dồn vào Người, còn thần ô uế thì buộc phải vâng lệnh và xuất ra khỏi người nó ám. Người giảng dạy với uy quyền của Thiên Chúa, chứ không như các Tiên tri trong Cựu Ước là những người được Thiên Chúa ủy thác cho; cũng không giảng dạy như các kinh sư Do thái là những người chỉ giải thích Kinh Thánh. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu là một cuộc giải phóng, là Tin Mừng cứu rỗi, cách riêng cho những người nghèo khổ, những người bị loại ra bên lề xã hội. Lời của Chúa Giêsu tương phản với lời giảng dạy của các thầy thông luật (Mc 1, 22). Câu hỏi được đặt ra: Vậy có điều gì mới chăng ? Thưa không, Người không dạy điều gì mới mẻ hoặc trái với giáo lý, cũng không mang đến một giáo lý mới. Chính uy nguyền và phong cảnh giảng dạy làm người ta khám phá ra cái mới. Đồng thời, mới, là vì uy quyền của Người trên các thần ô uế: “Chúng vâng lệnh Người “(x. Mc 1, 25-26). Chúa Giêsu không tiếp chuyện, hay tranh luận với thần ô uế. Người đoạn tuyệt đối thoại với chúng. Và ta sẽ thấy câu trả lời vào cuối trình thuật cám dỗ trong hoang địa. Chúa Giêsu khẳng định: “Người là Chân Lý “.

Hơn một Tiên tri

Bài đọc I trích sách Đệ Nhị Luật (Đnl 18, 15-20), chúng ta thấy Môisen được coi là vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong số các ngôn sứ; ông là trung gian giữa Thiên Chúa với loài người. Ông trung gian cần thiết, vì dân chúng sợ mặc khải trực tiếp từ Thiên Chúa nên họ nói: “Tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết ” (Đnl 18, 16).

Và đây là những điều Môisen được biết và công bố. Chúa phán: “Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi ” (Đnl 18, 15); Chúa sẽ đặt vào miệng vị đó những lời của Chúa, vị ấy sẽ nói cho dân lệnh Chúa truyền. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Chúa qua miệng người ấy sẽ nói nhân danh Chúa, kẻ ấy sẽ chuốc lấy hậu quả thích đáng, như Chúa quả quyết: “chính Ta, Ta sẽ tính số với nó”(Đnl 18, 19)Từ chối Môisen hay một tiên tri là từ chối chính Chúa.

Dân sẽ mượn miệng ông, giọng nói của ông, để thân thưa với Thiên Chúa. Một cách nào đó, người ấy không thể nói điều gì khác hơn là Lời Thiên Chúa. Cuộc sống của ông là một cuộc sống hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa.

Qua đoạn sách Đệ Nhị Luật, phụng vụ giúp chúng ta đọc lời nói đầu thể hiện sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, Người hơn cả hơn Môisen: ” Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền ” (Mc 1,22), Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1, 24).

Cuộc chiến giữa Chúa Giêsu và thần ô uế

Tiếng thét của người bị thần ô uế ám và dằn vặt, nay được Chúa trừ là tiếng thét hư vô, không có nguồn gốc và không có Thiên Chúa. Chúa Giêsu không chạm vào người này, Người cũng không thuyết phục hắn. Người nói chuyện trực tiếp với hắn lúc Lời Chúa bị mắc kẹt trong sa mạc bởi sự dữ, bạo lực và tà thần, mỗi người chúng ta phải thường xuyên kiên trì chiến đấu.

Điều thần ô uế nói trong hội đường như thể nó tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa. Nhưng nó bị Chúa Giêsu quát và bảo: “Hãy im đi!” (Mc 1, 25). Như sách Đệ Nhị Luật đã nói (18, 19) chúng ta phải biết nghe lời Chúa, trong hành động của đức tin, đức cậy để lời ấy có thể triển nở trong ta, đụng chạm đến chúng ta, biến đổi chúng ta và hiệp nhất chúng ta …

Sự im lặng bắt buộc này có nghĩa là không còn thời gian nữa. Sự viễn mãn tràn đầy thánh thiện và ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến nhờ sự chết và phục sinh. Vì Người là ” Đấng thánh của Thiên Chúa ” (Mc 1, 24).

Đấng Thánh của Thiên Chúa 

Việc trục xuất thần ô uế ra khỏi người bị nó ám được coi như cuộc chiến giữa Chúa Giêsu và thần dữ. Thần dữ cố gắng ngăn chặn nguy hiểm: “Có chuyện gì giữa chúng tôi và ông?” (Mc 1, 25) Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” (Mc 1, 25) Cuộc chiến vẫn tiếp tục trong cơn co giật của bệnh nhân đang bị dằn vặt dữ dội và kêu lớn tiếng. Sức mạnh của Chúa Giêsu làm chủ sự dữ là những cái con người đang bị nắm giữ với lo âu sợ hãi và tự hỏi, “Điều này có nghĩa là gì? ” (Mc 1, 27).

Giờ đây, bức màn che đậy được vén lên, mầu nhiệm của Chúa Giêsu và “bí mật” của Người hé mở: Đây là một giáo lý mới! Có thể đây là thời thiên sai mới chăng? Chúa Giêsu có thật là Đấng Mêsia không? Người truyền cho các thần ô uế và chúng vâng theo; chứng tỏ Người mạnh hơn Sự dữ. Nhưng chính ma quỉ nhập nhằng khi tỏ lộ về thân thế Chúa Giêsu:  Người là Đấng Thánh, Đấng Thánh của Thiên Chúa !(Mc 1, 24) Thánh là thuộc tính của chính Thiên Chúa. Chúa bắt nó: “Im đi ! ” (Mc 1, 25). Còn đám đông dân chúng thì vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận, nên kinh ngạc.

Chúng ta cũng thế, khi ta hoang mang về sự sinh tồn của mỗi chúng ta, và thấy các cuộc chiến giữa Sự Thiện và Sự Ác xảy quanh ta và trong chúng ta, chúng ta tự đặt câu hỏi: Chúa Giêsu là ai đối với cá nhân tôi và toàn thể nhân loại ?

Đời sống người Kitô hữu là một cuộc chiến không ngừng chống lại cám dỗ và loại trừ sự dữ. Sống theo Chúa Giêsu, con người sẽ không bao giờ nô lệ cho bản năng và ma quỉ. Để được như thế, chúng ta thành tâm nguyện xin mỗi ngày: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi sự dữ” (Kinh Lạy Cha). Amen.

5. MA QUỶ THỜI ĐẠI MỚI-  ĐTGM. – Giuse Ngô Quang Kiệt

Từ ngàn xưa, ma quỷ luôn luôn là một mối bất hạnh cho con người. Ma quỷ luôn tìm cách làm hại con người không những bằng xúi giục con người làm điều tội lỗi mà còn hành hạ, khống chế, trói buộc, bắt con người làm nô lệ cho chúng. Trong cuộc chiến với ma quỷ, con người không phải là địch thủ ngang tài đồng sức, nên thường thua cuộc. Ngay trong trận chiến đầu tiên, hai ông bà nguyên tổ đã thua mưu chước ma quỷ. Từ đó, con người chẳng thể nào tự mình thoát được nanh vuốt ma quỷ giam hãm.

Đức Giêsu đến mở đầu một kỷ nguyên mới: Nước Thiên Chúa đến chiến thắng nước ma quỷ. Ngay khi Đức Giêsu xuất hiện, ma quỷ mở lại bài cũ cám dỗ Đức Giêsu đi vào con đường kiêu ngạo, phô trương, cậy sức mình, ham hố danh, lợi, thú. Nhưng ngay trong lần đầu tiên giáp chiến, ma quỷ thất bại nặng nề. Đức Giêsu đã toàn thắng vì Người cương quyết đi theo con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha, sống khiêm tốn, đơn sơ, khiêm nhường, phó thác. Từ đó, Đức Giêsu đi đến đâu là khuất phục ma quỷ, giải thoát con người đến đấy.

Đọc trong Tin Mừng, ta thấy Đức Giêsu giải thoát con người ở các khía cạnh sau đây.

Người trực tiếp giải thoát con người khỏi bàn tay hung ác của satan. Hôm nay, Người xua đuổi thần ô uế công khai trước mặt mọi người trong hội đường. Lần khác, Người xua đuổi cả một đạo quân quỷ dữ. Chúng đã xin nhập vào đàn heo đang ăn bên bờ biển, và cả đàn heo lăn xuống biển chết hết.

Người gián tiếp giải thoát con người khỏi ách thống trị của satan qua việc chữa bệnh. Theo quan niệm của người Do Thái, bệnh tật là dấu chỉ của tội lỗi. Vì thế, người bệnh là người sống dưới ách satan. Đức Giêsu đã chữa lành rất nhiều người bệnh. Nhiều lần Người nói với người bệnh: “Tội con đã được tha”.

Người tha thiết với việc cứu con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, nên Người thường lui tới với những người thu thuế. Người không chỉ nói lời tha thứ bên ngoài, nhưng thực sự hoán cải họ từ bên trong. Nhất là Người giải thoát họ khỏi những mặc cảm và giúp họ tái hội nhập vào đời sống cộng đoàn.

Qua những việc làm của Đức Giêsu, ta thấy Người không chỉ giải thoát con người khỏi bàn tay hung ác của ma quỷ mà còn quan tâm cứu chữa con người khỏi những thế lực đen tối của chúng.

Cuộc chiến giữa con cái Thiên Chúa và ma quỷ vẫn tiếp tục, nên Đức Giêsu khi sai các Tông đồ đi rao giảng, vẫn luôn kèm theo mệnh lệnh xua đuổi ma quỷ. Hôm nay, Người sai chúng ta tiếp bước các Tông đồ, đi chiến đấu chống lại ma quỷ. Ma quỷ không hiện hình cho ta thấy, nhưng chúng ẩn nấp trong các sự dữ, sự ác còn tồn tại trên thế giới.

Có thứ quỷ nghèo đang trói buộc con người, không cho họ sống một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm con người. Có thứ quỷ đói đang giết chết nhân loại dần mòn. Có thứ quỷ dốt giam cầm những người thất học trong tù ngục tối tăm. Có thứ quỷ bệnh không ngừng hành hạ và đẩy con người vào hố sâu tuyệt vọng.

Ngày nay, ma quỷ rất tinh khôn nên thường xuất hiện dưới những hình dáng bên ngoài xinh đẹp, hấp dẫn. Chúng xuất hiện dưới những đồng tiền bất chính và hứa hẹn cho ta một cuộc sống thoải mái. Chúng xuất hiện dưới chiêu bài tự do hưởng thụ để xúi giục ta lao mình vào những nơi ăn chơi độc hại. Chúng kích thích sự tò mò của thanh niên muốn thử sức với ma túy.

Với bàn tay nham hiểm, ma quỷ âm thầm len lỏi vào tận đáy tâm hồn, khơi lên những làn sóng chia rẽ, ganh ghét, thù hận, bất hòa. Chúng kích thích lòng tham lam vô đáy, đưa ta đến chỗ trộm cắp, kiện cáo và tranh giành. Chúng khơi dậy thói kiêu căng, lòng tự ái để ta ham hố vinh danh và quyền lực. Chúng vuốt ve thói ích kỷ để xui giục ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, làm ngơ trước những nhu cầu của người khác. Chúng lừa gạt ta để ta coi thường tội lỗi, mất ý thức về tội.

Hôm nay, Chúa muốn ta tiếp tục công việc của Chúa, xua trừ ma quỷ ra khỏi đời sống chúng ta. Hãy cùng nhau xua đuổi quỷ đói, quỷ nghèo ra khỏi thế giới. Hãy góp phần tích cực diệt trừ quỷ dốt, quỷ bệnh ra khỏi xã hội con người.

Hãy tỉnh táo nhận ra ma quỷ dưới những khuôn mặt đẹp đẽ của vật chất, tiền bạc, hưởng thụ, cám dỗ.

Nhất là, hãy trục xuất khỏi tâm hồn ta những con quỷ gây chia rẽ, bất hòa, tham lam, kiêu căng, tự mãn, gian trá, giả hình, hám danh, ích kỷ, dửng dưng.

Tự sức riêng, ta khó mà chiến thắng được ma quỷ. Muốn chiến thắng ma quỷ, ta phải nhờ ơn Chúa giúp. Ta múc lấy sức mạnh nơi Chúa bằng ăn chay và cầu nguyện. Ta rèn luyện tinh thần bằng khiêm nhường từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin thương xót con, xin cứu con khỏi mọi sự dữ. Amen.

6. SỐNG LỜI CHÚA SẼ TRỪ ĐƯỢC QUỶ TRONG TA – Lm. Josephus Quang Nguyễn

Từ điển bách khoa wikipedia cho rằng theo quan niệm của một số tôn giáo và nền văn hóa, con người gồm thể xác và linh hồn. Khi thể xác chết, linh hồn xuất khỏi thể xác. Nếu linh hồn đó không có cơ hội đầu thai hoặc nơi trú ngụ chung với các linh hồn khác mà tương tác với cõi thực có hình hài con người, sẽ gọi là “ma”, “hồn ma”, “thánh”, “thần” hay “thiên sứ”. Theo tín ngưỡng Việt Nam, trong con người có cái vật chất và tinh thần. Cái tinh thần trừu tượng, khó nắm bắt, nên người xưa đã thần thánh hóa nó thành khái niệm linh hồn. Người Việt cho rằng con người có 3 hồn, 7 vía (nam), còn nữ có 9. Như vậy khái niệm ma đơn giản chính là linh hồn và vía của con người không hại ai.

Cũng cuốn từ điển này cho rằng quỷ xuất phát từ tiếng Hán Gwei(鬼), dùng để gọi linh thể của những người đã chết. Theo quan điểm của người phương Đông, sau khi chết đi, linh hồn của con người sẽ đầu thai chuyển thế vào kiếp khác. Nhưng vì một lý do nào đó, linh hồn không thể đầu thai mà vẫn lưu lại trên thế giới vật chất thì được gọi là quỷ. Còn theo Do Thái Giáo: Quỷ là các thiên thần lạc lối. Các thiên thần đều thờ phụng Đức Chúa là Thiên Chúa, trong đó vị tổng lãnh Thiên Thần là Michael. Tuy nhiên, có một thiên thần khác tên là lucifer đã nổi dậy cùng 1/3 thiên thần khác để giành quyền thống trị với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã giáng phạt tống xuống đất thành tưởng quỷ Lucifer hay còn gọi là Satan, nghĩa là Kẻ Chống Đối. Qủa thế, Thánh Kinh dạy rằng “Con Rắn xưa, mà người ta gọi là quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó” (Kh 12,9). Kinh Thánh chỉ cho thấy rằng quỷ là những thiên sứ sa ngã cùng với Satan nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời. Như vậy, rõ ràng người Công giáo khi nói đến quỷ là hàm ý chỉ đến Xa-tan và các thiên thần sa ngã. Mà Thiên thần là loài thiêng liêng được Thiên Chúa dựng nên. Như vậy, khi nói quỷ Thánh kinh không bao giờ ám chỉ đến các linh hồn người đã qua đời và quỷ không có hình hài nào cả. Cho nên, người ta thường nói “ma hiền quỷ dữ”.

Đoạn Phúc Âm chúng ta vừa nghe chứng minh quyền lực chiến thắng của Chúa Giêsu trên các sức mạnh của các tà thần được mệnh danh là quỷ dữ. Qủy nó dữ không phải nơi bộ mặt hay hình dáng mà là nó luôn cám dỗ ám hại thân xác và linh hồn con người vì chưng chúng hy vọng khi làm hại được con người thì làm hại được Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa quyền phép hơn chúng, thấu hiểu hết âm mưu sảo quyệt của chúng và có thể tiêu diệt chúng bất cứ lúc nào. Cụ thể, Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu, con Thiên Chúa, đến giải thoát con người khỏi quyền lực của quỷ dữ chỉ bằng một lời phán: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này! Tên qủy lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta”.

Tuy là thời đại văn minh khoa học kỹ thuật tân tiến, nhưng quỷ hiện diện khắp nơi, và thậm chí ẩn mình nơi mỗi người chúng ta để cảm dỗ và gây ác hại cho tâm hồn và thể xác chúng ta. Chẳng hạn, quỷ kiêu ngạo, nó làm cho cái tôi của chúng ta lên cao để rồi mình coi ai không ra gì, không ai tốt bằng tôi, đạo đức như tôi…! Cho nên tôi sẵn sàng triệt hạ, dèm pha, chê bai, trách móc, chửi bới, xét đoán, trừng phạt kẻ khác mà quên rằng tôi là cũng là người “nhân vô thập toàn”, không có ai trên đời này hoàn hảo cả, chỉ có Chúa Giêsu, là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Thứ đến, con quỷ tham lam, mê ăn uống, nó cố gắng làm chúng ta lam tham hay ăn uống thái quá đánh mất nhân tính và đánh mất tình người. Ví dụ, ngày xưa chỉ vì ham lam tiền bạc mà Giuđa bán Chúa, là Thầy mình với giá chỉ 30 đồng bạc còn hôm nay vì ham tiền không bán người như Giuđa mà giết người luôn. Cụ thể, báo Zing điện tử đưa tin: sáng ngày 21/1, Nguyễn Văn Tiến đột nhập vào nhà để ăn trộm nhưng bị phát hiện liền giết cả gia đình ông Nguyễn Văn Cường (56 tuổi) tại thôn Ia Tang, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ là người cùng làng với các nạn nhân. Hay mới đây Báo điện tử đưa tin: Anh Y del Ê-nuôi ở Đaklak nhậu xỉn ở quán nhậu, khi về nhà không thấy vợ đâu, anh đi tìm nhưng không gặp. Khi chị H’Bluân về thì 2 người nảy sinh mâu thuẫn, anh chồng đấm 2 cái vào mặt và đạp vào bụng vợ. Thấy vậy, chị H’Bluân liền vùng dậy bỏ chạy ra trước cổng. Anh ta đuổi theo rồi đấm đá liên tiếp vào mặt, lưng, đầu làm chị H’Bluân ngã xuống bất tỉnh. Được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng chị đã tử vong do chấn thương sọ não, xuất huyết não. Con qủy tham lam đã làm hại đời người đáng sợ thay! Cho nên, Chúa Giêsu luôn nhắc bảo chúng ta rằng: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12, 15).

Rồi trong bài đọc 2, Thánh Phaolô dạy chúng ta hãy khử con quỷ khoái lạc nơi chúng ta bằng cách hãy ăn ở tiết độ: Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa, còn người có vợ thì lo lắng việc đời, tìm cách làm đẹp lòng vợ. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời, tìm cách làm đẹp lòng chồng”. Còn, Thánh Phêrô dạy rằng “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (1Pr 5,8-9).

Dù quỷ có hung ác đến cỡ nào, Chúa Giêsu vẫn trừ và loại chúng ra khỏi thân xác và tâm hồn của anh chàng thanh niên xưa và ngay cả chúng ta hôm nay. Vì chưng, Chúa là Đấng có thẩm quyền và Lời của Ngài có uy quyền trên các thần ô uế chứ không như các kinh sư. Vì vậy, chúng ta hôm nay, dù quỷ dữ đến và cám dỗ chúng ta dưới hình thức nào, chúng ta vẫn loại trừ được chúng nhờ có Lời và Thánh Thể Chúa Giêsu. Trên trần gian Chúa Giêsu đã trừ quỷ nhiều lần trong đời Ngài nhưng Satan vẫn trở lại, và thành công trong việc giết Ngài trên thập giá. Xem như quỷ đã hoàn toàn thắng. Nhưng sự Phục Sinh đã đem lại cho Chúa Giêsu sự chiến thắng vẻ vang. Vì vậy, trong mỗi Thánh lễ đều tái diễn: Đức Kitô chết – Đức Kitô sống lại, Chúa chúng ta chiến thắng quỷ dữ. Vậy, nhờ Thánh lễ chúng ta cử hành, nhờ việc sống Lời Chúa mỗi ngày, chắc chắn chúng ta được thêm sức mạnh và can đảm để xua đuổi quỷ ra khỏi tâm hồn và cuộc sống của mỗi người hầu tâm hồn chúng ta thật sự là đền Thánh Đức Chúa Trời ngự và cuộc sống chúng ta đầy ấp tình Chúa và tình người.

Lạy Chúa, xin thăm viếng chúng con, và đuổi xa mọi âm mưu ma quỷ. Xin sai thiên thần Chúa đến ở đây, để gìn giữ chúng con bình an, và xin tuôn đổ phúc lành trên chúng con luôn mãi. Amen.

Sưu tầm – Tổng hợp